Bài 74: Phép lạ phục sinh kẻ chết trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa

Bài 74: Phép lạ phục sinh kẻ chết trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa

Bài 74

PHÉP LẠ PHỤC SINH KẺ CHẾT

TRONG KINH THÁNH

Ta-li-tha kum

Trong các phép lạ hay dấu lạ của Đức Giê-su, có thể nói, phép lạ phục sinh kẻ chết là phi thường nhất vì làm cho những người đã chết được hoàn sinh, khiến mọi người phải “sửng sốt kinh ngạc” (Mc 5,42). Kẻ chết sống lại là do quyền năng Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch sự sống, Người có thể ban sự sống cho ai Người muốn ngay cả khi họ đã qua đời.

Trong bài học hỏi lần này, chúng ta sẽ điểm qua những phép lạ tiêu biểu làm cho kẻ chết sống lại đã được Kinh Thánh ghi nhận.

I. Trong Cựu Ước

  1. Con trai bà góa ở Xa-rép-ta (1 V 17,17-24)

Thiên Chúa đã nghe lời khẩn cầu của ngôn sứ Ê-li-a mà làm cho cậu con trai duy nhất của bà góa thành Xa-rép-ta được sống lại. Bà là ân nhân của ông Ê-li-a mỗi khi ông đến Xa-rép-ta, một thành ven biển Địa Trung Hải, nằm giữa Tia và Xi-đon, ở phía tây bắc Ít-ra-en.

Sách Các Vua quyển thứ nhất kể rằng : “Đứa con trai của bà ngã bệnh. Bệnh tình trầm trọng đến nỗi nó tắt thở. Bà nói với ông Ê-li-a : “Hỡi người của Thiên Chúa, việc gì đến ông mà ông tới nhà tôi để nhắc lại tội tôi, và làm cho con tôi phải chết ?” Ông Ê-li-a trả lời : “Bà đưa cháu cho tôi.” Ông bồng lấy đứa trẻ bà đang ẵm trong tay, đem lên phòng trên chỗ ông ở, và đặt nó nằm lên giường. Rồi ông kêu cầu ĐỨC CHÚA rằng : “Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con. Chúa nỡ hại cả bà goá đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà ấy phải chết sao ?” Ba lần ông nằm lên trên đứa trẻ, và kêu cầu ĐỨC CHÚA rằng : “Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này lại trở về với nó !” ĐỨC CHÚA nghe tiếng ông Ê-li-a kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống.” (1 V 17,17-22)

2. Con trai người phụ nữ Su-nêm (2 V 4,18-37)

Môn đệ của ngôn sứ Ê-li-a là Ê-li-sa cũng đã từng cầu xin Chúa cho một cậu bé chỗi dậy từ cõi chết. Vị ngôn sứ thường lui tới Su-nêm, một làng nhỏ trong thung lũng Gít-rơ-ên, gần thành Na-in, nơi Đức Giê-su cho anh con trai của một bà goá sống lại. Khi đến Su-nêm, ông thường ở trong một căn phòng trên lầu, tại nhà của một đôi vợ chồng tốt bụng.

Một hôm, đứa con trai của họ kêu đau đầu rồi đột ngột qua đời. Người mẹ đã cầu cứu vị ngôn sứ lúc đó đang ở núi Các-men. “Ông đi vào chỗ cậu bé, đóng cửa lại, chỉ còn lại hai người ở bên trong, rồi ông cầu nguyện với ĐỨC CHÚA. Ông lên giường nằm lên trên đứa trẻ, kề miệng ông trên miệng nó, kề mắt ông trên mắt nó, đặt bàn tay ông trên bàn tay nó. Ông cứ nằm trên đứa trẻ, da thịt nó nóng lên. Ông đi đi lại lại trong nhà, rồi lại lên nằm trên nó ; cậu bé hắt hơi đến bảy lần, và mở mắt ra.” (2 V 4,32-35)

II. Trong Tân Ước

Các Tin Mừng ghi nhận ba lần Đức Giê-su làm cho kẻ chết sống lại, đó là các trường hợp : con gái ông Gia-ia (x. Mc 5,22-43), con trai bà goá thành Na-in (x. Lc 7,11-17) và anh La-da-rô làng Bê-ta-ni-a (x. Ga 11,1-44).

Khi chứng kiến Đức Giê-su làm cho kẻ chết sống lại, hẳn dân chúng nhớ lại những phép lạ của vị ngôn sứ vĩ đại là Ê-li-a và của ngôn sứ Ê-li-sa, “người của Thiên Chúa” như họ đã nói về Đức Giê-su sau khi con trai bà goá thành Na-in sống lại :  “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16).

1. Con trai bà góa thành Na-in (Lc 7,11-17)

Tin Mừng Lu-ca kể rằng : “Đức Giê-su đến gần cửa thành (Na-in) đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói : “Bà đừng khóc nữa !” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói : “Này người thanh niên, tôi bảo anh : hãy trỗi dậy !” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 8,12-16).

2. Con gái ông Gia-ia

Đức Giê-su tỏ bày quyền năng của Người trên cái chết của cô con gái ông trưởng hội đường Gia-ia khi làm cho cô bé chỗi dậy trong lúc nhiều kẻ chế nhạo Người. Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều kể lại phép lạ này (x. Mc 5,21-43 ; Mt 9,18-26 ; Lc 8,40-56)

Đoạn Tin Mừng Chúa nhật tuần này thuật lại rằng : Lúc ấy, Đức Giê-su đang rao giảng ven Biển Hồ Ga-li-lê thì ông trưởng hội đường Gia-ia đến nài xin Người cứu cô con gái 12 tuổi của ông đang hấp hối. Đức Giê-su liền đi theo ông Gia-ia. Khi còn chưa tới nhà, “thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo : ‘Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa ?’ Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường : ‘Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.’ Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Người bước vào nhà và bảo họ : ‘Sao lại náo động và khóc lóc như vậy ? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy !’ Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. Người cầm lấy tay nó và nói : ‘Ta-li-tha kum’, nghĩa là : ‘Này bé, Thầy truyền cho con : trỗi dậy đi !Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ.  (x. Mc 5,35-42)

3. Anh La-da-rô ở Bê-ta-ni-a (Ga 11,1-44)

Người thứ ba Đức Giê-su làm cho sống lại chính là anh bạn La-da-rô ở Bê-ta-ni-a.

Khi nghe tin anh La-da-rô lâm bệnh nặng, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa” (Ga 11,4). Hai ngày sau, Đức Giê-su nói với các môn đệ “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc ; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây” (Ga 11,11). “Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy” (Ga 11,15).

Đến nơi, sau khi nói chuyện với chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a, Đức Giê-su đi ra mộ. Sau lời tạ ơn dâng lên Chúa Cha, “Người kêu lớn tiếng : “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo : “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.” (Ga 11,43-44).

4. Bà Ta-bi-tha ở Gia-phô (Cv 9,36-42)

Sau khi Đức Giê-su thăng thiên, các tông đồ cũng thực hiện phép lạ làm cho kẻ chết chỗi dậy.

Sách Cv kể rằng : Ở Gia-phô, một hải cảng ven Địa Trung Hải, ngày nay là Giáp-pha thuộc ngoại ô Ten A-víp, có một nữ tín hữu tốt lành tên là Ta-bi-tha. Bà mắc bệnh và qua đời. Lúc đó, các môn đệ nghe biết ông Phê-rô đang ở thành Lốt gần Gia-phô, liền cử hai người đến mời : “Xin ông đến với chúng tôi, đừng trì hoãn.” Ông Phê-rô đứng dậy cùng đi với họ. Tới nơi, người ta đưa ông lên lầu trên […]. Ông Phê-rô cho mọi người ra ngoài, rồi quỳ xuống cầu nguyện. Sau đó, ông quay về phía thi hài và ra lệnh : “Bà Ta-bi-tha, hãy đứng dậy !Bà ấy mở mắt ra, và khi thấy ông Phê-rô, liền ngồi dậy. Ông đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi dân thánh và các bà goá lại và cho thấy bà đang sống. Cả thành Gia-phô đều biết việc này, và có nhiều người tin vào Chúa” (x. Cv 5,36-42).

5. Thiếu niên Êu-ty-khô ở Trô-a (Cv 20,7-12)

Chuyện xảy ra khi thánh Phao-lô sắp từ giã các tín hữu ở Trô-a, một thành ven biển Ê-giê, ở tây bắc Tiểu Á.

Sách Cv kể rằng : “Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để bẻ bánh. Ông Phao-lô thảo luận với các anh em, và vì hôm sau ông ra đi, nên ông đã kéo dài cuộc nói chuyện đến mãi nửa đêm. […] Một thiếu niên kia, tên là Êu-ty-khô, ngồi ở cửa sổ, đã thiếp đi và ngủ say trong khi ông Phao-lô vẫn cứ giảng. Vì ngủ say, nên nó ngã từ tầng thứ ba xuống. Vực lên, thì nó đã chết. Ông Phao-lô xuống, cúi mình trên nó, ôm lấy và nói : “Đừng xôn xao nữa, vì nó sống mà !” Rồi ông lên, bẻ bánh và ăn. Ông còn nói chuyện khá lâu, mãi đến tảng sáng mới ra đi. Người ta đưa cậu bé đang sống về, và ai nấy được an ủi không ít” (Cv 20,7-12).

III. So sánh phép lạ của Đức Giê-su và của những người khác

Qua các phép lạ kể trên, chúng ta thấy có sự khác biệt giữa phép lạ do Đức Giê-su thực hiện với phép lạ do những người khác.

  1. Kín đáo và công khai

Phép lạ phục sinh kẻ chết của ngôn sứ Ê-li-a, ngôn sứ Ê-li-sa hay tông đồ Phê-rô được thực hiện cách kín đáo và riêng tư, còn trường hợp cậu thiếu niên Êu-ty-khô được thánh Phao-lô làm cho sống lại thì không rõ lắm. Các vị thường ở một mình, đóng cửa lại và cầu nguyện.

Còn Đức Giê-su, khi phục sinh con gái ông Gia-ia, con trai bà goá thành Na-in hay anh La-da-rô, Người thực hiện công khai trước mặt nhiều người. Điều này chứng tỏ Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a cứu độ.

  1. Lời cầu nguyện và lời quyền năng

Các ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-a cũng như thánh Phê-rô đều cầu nguyện khẩn xin Thiên Chúa thực hiện phép lạ, còn Đức Giê-su thì dùng chính lời quyền năng của Người mà truyền cho kẻ chết chỗi dậy.

Ngôn sứ Ê-li-a cầu nguyện rằng : “Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này lại trở về với nó !” (1 V 17,22) ; khi làm cho con trai người phụ nữ Su-nêm sống lại, ngôn sứ Ê-li-sa cũng “cầu nguyện với ĐỨC CHÚA” (2 V 4,32). Trong phép lạ phục sinh bà Ta-bi-tha, “ông Phê-rô cho mọi người ra ngoài, rồi quỳ xuống cầu nguyện” (Cv 5,40).

Còn Đức Giê-su thì dùng chính lời quyền năng của Người mà làm cho kẻ chết sống lại : với con gái ông Gia-ia, “Người cầm lấy tay nó và nói : ‘Ta-li-tha kum’, nghĩa là : ‘Này bé, Thầy truyền cho con : trỗi dậy đi !’” (Mc 5,41). Với con trai bà goá thành Na-in, Đức Giê-su nói : “Này người thanh niên, tôi bảo anh : hãy trỗi dậy !” (Lc 7,14). Trong trường hợp anh La-da-rô thì sau lời tạ ơn Chúa Cha, Đức Giê-su gọi lớn tiếng : “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !” (Ga 11,43).

IV. Ý nghĩa phép lạ kẻ chết sống lại

  1. Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống

Thiên Chúa dựng nên con người, vì thế sự sống con người ở trong tay Thiên Chúa. Người có quyền trên sự chết và sự sống, Người là “Thiên Chúa của kẻ sống” (Lc 20,38). Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và cũng có quyền trên sự chết và sự sống như Người đã khẳng định : “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý” (Ga 5,21).

  1. Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a quyền năng

Các phép lạ, nhất là phép lạ phục sinh kẻ chết minh chứng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Khi thánh Gio-an Tẩy Giả sai môn đệ đến hỏi xem Đức Giê-su có phải là Đấng thiên sai không, Người trả lời rằng : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe : người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7,22)

  1. Loan báo sự phục sinh vinh hiển

Các phép lạ kẻ chết sống lại là hình ảnh loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô cũng như của các tín hữu. Sự phục sinh này là đời sống vĩnh cửu vinh quang trên thiên quốc như Đức Giê-su đã nói với những người Xa-đốc : “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20,34-36).

Kết luận

Sự Phục Sinh của Đức Ki-tô không phải là việc trở lại với cuộc sống trần thế, giống như trường hợp của những kẻ Người đã cho sống lại trước cuộc Vượt Qua: con gái ông Gia-ia, người thanh niên Na-in, anh La-da-rô. Các sự kiện này là những biến cố kỳ diệu, nhưng những người được hưởng phép lạ đó, nhờ quyền năng của Chúa Giê-su, chỉ trở lại với cuộc sống trần thế “thông thường.” Một lúc nào đó họ sẽ lại chết. Sự phục sinh của Đức Ki-tô thì hoàn toàn khác hẳn. Trong thân thể phục sinh của Người, Người chuyển từ trạng thái phải chết sang một sự sống khác vượt trên thời gian và không gian. Thân thể của Chúa Giê-su trong sự Phục Sinh đầy tràn quyền năng của Chúa Thánh Thần; thân thể này tham dự vào sự sống thần linh trong trạng thái vinh quang của Người, đến độ thánh Phao-lô đã có thể nói Đức Ki-tô là một người thiên giới (x. GLHTCG 646).

Cầu nguyện

Lạy CHÚA, con xin tán dương Ngài,

vì đã thương cứu vớt,

không để quân thù đắc chí nhạo cười con.

Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,

con kêu lên cùng Chúa,

và Ngài đã cho con bình phục.

Lạy CHÚA, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,

tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.

Hỡi những kẻ tín trung,

hãy đàn ca mừng CHÚA,

cảm tạ thánh danh Người.

Người nổi giận, giận trong giây lát,

nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.

Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,

hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.

Lạy CHÚA, xin lắng nghe và xót thương con,

lạy CHÚA, xin phù trì nâng đỡ.

Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu,

cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.

Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa,

và không hề nín lặng.

Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,

xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.

(Tv 30,1-6.11-13)

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top